Tôi có hứng thú với việc viết văn từ khi còn bé tí xíu cơ. Tuổi thơ của tôi khá buồn chán, phần lớn thời gian là ở nhà một mình và đọc sách. Tôi vẫn nhớ trước lúc học lớp 1 và đến tầm lớp 3 lớp 4 tôi vẫn một mình ở nhà trông nhà. Người bạn của tôi khi ấy có thể chỉ là vài người hàng xóm trong một khu tập thể có phần xuống cấp so với cái tên khá là oai của nó.

Những cuốn sách mà tôi đọc khi ấy là những cuốn truyện cổ tích mà bố mẹ mong muốn tôi đọc được. Nghĩ lại thì, truyện cổ Grimm kết thúc toàn là đám ma đấy, ai rồi cũng sẽ chết, không chết vì là kẻ ác thì cũng chết vì không phải nhân vật chính. Nhưng với trí óc của một thằng nhóc con mới biết đọc chữ thì việc được đọc sách đã là một món quà quá lớn rồi. Tôi đọc đầy đủ từ "Grimm", "An-đéc-xen", đến cả những thứ như là "Harry Potter", "Cuốn theo chiều gió", rồi gần gũi hơn là "Tấm Cám" hoặc "Dế mèn phiêu lưu ký". Tiếc thay, tuổi thơ của tôi lại ít được đọc truyện tranh, mãi đến khi cuối cấp 01 tôi mới được rờ vào cuốn truyện "Thám tử lừng danh Conan" đầu tiên, còn trước đó, tôi chả biết truyện tranh là cái khỉ gì mà bọn bạn đồng lứa ham mê đến thế.

Hồi đó thì chỉ đọc thôi mà đâu cần ngẫm, chỉ đọc là đọc, nhớ từng chi tiết mình đã đọc, tóm tắt lại được câu chuyện mình đọc. Ôi nghĩ mà sướng. Chả nghĩ ngợi thêm gì cả. Tôi không nghĩ rằng tại sao nàng tiên cá lại phải chết khổ như thế, hay tại sao Cám lại bị Tấm mang ra làm mắm rồi biếu cho dì ghẻ ăn. Chỉ đọc và đọc. Lý do duy nhất chắc là vì, thời ấy 5 rưỡi tối mới có phim hoạt hình VTV2, mà ở nhà một mình không làm gì thì khác éo gì trẻ tự kỷ. Thế là đọc thôi. Mà một phần nữa vì bố tôi chả chịu đọc truyện cho tôi gì cả. Tôi thích Nàng tiên cá, nhưng bố bảo bố đọc cho rồi còn gì sao cứ đòi bố đọc mãi thế. Thế là càng thêm tò mò, muốn đọc thêm những câu truyện khác trong các bộ sách mà bố mẹ mua về cho.

Văn hoá đọc của tôi hình thành từ đó. Rất đơn sơ và chẳng chút gì gượng ép. Đơn giản là tò mò, kèm theo chút thiếu thốn văn hoá phẩm khác. Bảo sao giờ báo đài cứ tuyên truyền về văn hoá đọc mà nó cũng chỉ gọi là cố gượng ép lại một chút giá trị, chẳng có ý nghĩa gì khi trẻ con giờ có thể tìm hiểu được vô vàn kiến thức chỉ bằng một đường truyền mạng ổn định. Tôi không hạ thấp tuyên truyền của ngày nay, chỉ là mọi người hơi tâng bốc văn hoá đọc quá mà không nhắc đến cái gọi là sự tiếp nhận văn hoá. Rằng đọc sách rất tốt, nhưng chẳng ai dạy ai cách tiếp nhận những văn hoá ấy cả. Nàng tiên cá với Tấm Cám chắc tái bản còn nhiều hơn cả sách giáo khoa mất, chỉ vì những thứ nhạy cảm vốn không được ưa thích bởi truyền thông ngày nay. Với chúng tôi thời đó, chắc là chuyện bình thường.

Cái lý thú nhất với tôi khi đọc sách là cảm giác được hoà mình vào thế giới mà người viết sách tạo ra. Tôi không biết có phải chỉ mình tôi như thế hay không (vào lúc còn đánh vần phọt cứt ra để đọc được tên tác giả), còn bây giờ thì khá rõ rồi. Cái cảm giác được tưởng tượng, bay bổng, được suy nghĩ theo cách riêng, được hoà mình vào thế giới ấy, được là một nhân vật khác nào đấy mà mình tự nghĩ ra thôi thúc cho tôi cảm giác muốn đọc nhiều hơn nữa.

Truyện ngụ ngôn hay truyện cổ tích, với bản thân tôi, thật nhàm chán. Không phải vì bài học đúc kết ra, mà là vì những nhân vật phản diện quá ư là khuôn mẫu, đến mức tôi thấy thương cho họ. Tôi mong muốn trở thành một nhân vật phản diện trong đó, để sửa chữa sai lầm. Và tôi cũng mong muốn trở thành người dìu dắt nhân vật chính, để họ đối diện trực tiếp với kẻ phản diện sớm hơn là lảng tránh. Để rồi sau cùng lại trả thù nhau một cách vô cùng bạo tàn và khát máu.

Tôi muốn viết thêm những diễn biến khác, vì trong đầu tôi lúc đó đã nhìn ra những sơ hở khác, nhìn ra cơ hội để phát triển ý, tìm ra những mảnh ghép khác và những câu chuyện khác của những nhân vật khác. Những nhân vật khác này có khi còn mới toanh, hoặc là bê từ truyện này qua truyện kia. Phải chi lúc đó tôi lớn hơn, hẳn tôi đã thành biên kịch cho mấy bộ phim của hãng Disney rồi cũng nên. Khờ dại thật.


Lan man thêm chút về quá khứ. Tôi thích chơi cờ vua. Và vì ở nhà một mình, mà lại ít người đồng trang lứa, vì bọn nó mải chơi ở dưới còn tôi phải trông nhà. Tôi tự nghĩ ra đối thủ của mình, tự sắp xếp bàn cờ và tự đi những nước đi dớ dẩn. Tự hết. Và tự trong tôi có những luồng suy nghĩ dở hơi, cũng chả biết tự ai và tự khi nào.


Đến hết cấp 01 thì tôi vẫn là học sinh giỏi văn của lớp. Lớp lại là lớp chọn, nên cứ có cái gì liên quan đến chữ nghĩa là được đi thi tất. Tuy là giải rủng thì chả có mấy đâu, nhưng mà vẫn khoái vì được tham gia các hoạt động liên quan đến chữ nghĩa, và một phần vì cứ có giải của trường là về nhà chắc chắn được ăn thịt gà.

Lại nói về thịt gà, đó là món ăn khá là đơn giản nhưng hiếm khi nào được ăn. Nhà tôi cũng chả mấy khá giả, bố thì đi công tác suốt, mẹ thì trực trạm y tế, cả hai người họ đi làm lụng mãi chỉ để đảm bảo rằng tôi sống sướng nhất nhà. Cảm ơn bố mẹ! Thế rồi vì món thịt gà là món tôi thích nhất, mà tiền thì nào đủ mua được con mà đòi ăn hàng ngày, nên mẹ tôi bảo cứ khi nào được điểm 10 là được ăn thịt gà. Tiếc là điểm 10 luôn từ chối tôi. Nên thay vì ăn thịt gà thì mẹ tôi mua đuôi bò hầm mỗi khi tôi lạc mất điểm 10.

Nhưng rồi cấp 02 bắt đầu, tôi mất mẹ cảm hứng văn học. Mất sạch sành sanh, éo còn cái gì cả. Nói như kiểu văn hoá I-tờ-nét thì là éo còn cả cái nịt. Tại sao lại phải phân tích, tại sao không được hiểu theo nghĩa khác, tại sao đề bài là cảm nghĩ bản thân mà trình bày theo cảm nghĩ thì điểm lại méo đủ để qua liệt? Tại sao và vô vàn câu hỏi tại sao? Chắc có lẽ điểm vớt vát duy nhất là người cô đã dạy cho tôi một chút gì đó về tư duy phản biện. Người cô ấy giờ chắc cũng ngoài sáu mươi rồi. Cô giáo văn lúc đó dạy bọn tôi về sự hung ác của Tấm, khi cả lớp vẫn nghĩ cô Tấm hiền hoà nhu mì và chỉ làm điều ác vì kẻ đó xứng đáng nhận được điều ác. Tiếc thay, cô nghỉ dạy sau khi hết lớp 07. Đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ hưu thôi.

Nói chung là quãng thời gian học văn ở phổ thông chắc rèn cho tôi được đức tính là éo được làm gì khác ngoài viết theo ý của người khác. Người ta bảo gì mình làm nấy, không làm hơn, và làm theo cái mà họ muốn. Hay phải chăng giáo dục 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo lực lượng lao động sau này cũng sẽ làm 8 tiếng một ngày đúng như những gì người khác đề ra để rồi không bao giờ oán than hay kêu cứu?

Tất nhiên văn học phổ thông cũng có cái hay khi mình biết viết một số cái đơn, biết cách diễn tả suy nghĩ nội tâm, biết trình bày bài văn nghị luận. Biết lúc nào nên tem tém cái tay lại để được điểm cao hay không trình bày quá đà để bị phụ huynh chửi cho tội xộn lào khi đi học muộn. Chung quy lại tôi ở phổ thông là đứa dối văn nhất lớp, tên đứng đầu trong sổ văn từ dưới lên. Làm văn đề 90 phút bằng mấy cái gạch đầu dòng rồi đi ngủ. Chém giò thế thôi chứ lúc cần thì vẫn viết được thành bài văn dài vài ba trang nhưng mà có phải ý của mình chó đâu. Nên khác éo gì viết theo ba-rem chấm bài của giáo viên đâu cơ chứ.

Và cái thằng viết văn như đánh vật đấy thi đại học được 4 điểm rưỡi văn. Cả nhà mở tiệc còn to hơn nhà hàng xóm có con viết văn 8 điểm. Tí thì tạch bố nó cái tốt nghiệp cấp 03.

Tôi thi vào trường kỹ thuật, vì tôi học văn dốt, nên tôi mong muốn là mình sẽ dí buồi vào dùng mấy cái câu từ sáo rỗng nữa. Nhưng không, bạn ơi, không. Cú lừa lớn nhất là lên đại học đéo phải học nhiều đâu, có cái lìn! Học phọt cờ ứt. Rồi lại phải viết văn vì mấy cái môn giáo điều như là Triết học với chả tư tưởng đạo lý gì đấy. Ừ thì lúc học cay lắm, nhưng mà, kì lạ làm sao, mấy cái thứ giáo điều ấy lại thôi thúc tôi viết văn lại.

Có người từng bảo rằng "Triết học" là thứ thôi thúc sự tìm tòi và tư duy phản biện của sinh viên. Có vẻ đúng, vì mấy cái nó nói ra sai vãi loèn con heo ra, nhưng mà vẫn phải học, mà học thì lại phải đọc vì tiểu luận mà chỉ chép trong sách là ăn ngay con 0. Ôi đại học nó ác man lắm, viết quyển tiểu luận 20 trang xong ăn con 0 học lại. Chỉ có khóc tiếng Mán, mà có phải tiếng Mán đâu, con cháu Bác Hồ nhưng mà chỉ biết nhìn nụ cười của Bác rời bỏ cái ví của mình. (Đoạn này hơi quá, cháu xin lỗi Bác!)

Và đó, là cách trải nghiệm của tôi về chuyện học của tôi. Chả liên quan đếch gì đến thú viết văn cả.

Last Updated: