Tôi định mở đầu theo kiểu của mấy tay như "Tôi đi code dạo" hay là "Huy Trần" các thứ. Nhưng tiếc thay tôi không giỏi văn được đến cỡ đó. Tôi sẽ mở đầu theo kiểu của tôi.


Tôi làm cái nghề mà người ta thường gọi vui là "vua của các nghề", còn bọn tôi tự gọi nhau là ma đạo pháp sư. Kể cũng lạ đúng không, pháp sư họ có vòng phép, họ sử dụng ngôn ngữ mà phần lớn loài người không thể hiểu nổi, một số lập tế lễ, một số niệm chú những lời nguyền rủa, số khác thì dùng những thứ hiểu biết mà loài người không thể chạm tới, không tài nào lý giải được. Và vâng, đó là công việc hàng ngày của chúng tôi đấy. Chỉ khác mỗi cái là bọn tôi không dùng nến hay vãi muối ra khắp nơi, bọn tôi dùng một cỗ máy có bộ vi xử lý 6 lõi, vài thanh bộ nhớ tăng cường, cùng màn hình tinh thể lỏng. Với những món đồ ma pháp ấy, chúng tôi dùng những ngôn ngữ mà loài người khó có thể hiểu nổi như C hay JavaScript, và thường xuyên... chửi thề.

Nếu bạn là người tính theo con đường này, bạn nên đọc những thứ hay ho ở những blogger khác, những người sẽ chỉ dạy cho bạn những thứ hiểu biết hay ho hơn là tôi. Một người có thể vừa là Chí Phèo mà vừa là nghệ sĩ viết rap. Lời tôi viết tuy không có chất thơ, nhưng luôn kèm theo những tiếng chửi thề đay nghiến, tru tréo, thất vọng và cả khi vui sướng nữa. Lạ nhỉ? Ơ thế cuối cùng ông dùng Text-to-Speeech để viết code à? Khum, tôi chửi vì nhiều lí do khác nhau, mà phần lớn là vì đôi khi, tôi đéo hiểu chuyện gì xảy ra với những thứ mà mình nhìn thấy.

Đại khái là:

  • Ơ cái địt, sao nó chạy kiểu lồn gì đây
  • Uồi vi diệu vãi lồn, đéo có lint lủng lồn gì vẫn chạy
  • Địt địt địt địt địt
  • Mẹ nó thằng lồn nào viết cái dòng này đấy
  • CSS3 như buồi ý, animation default đéo có trong tài liệu

Và vô vàn những thứ khác, nhưng tựu chung lại thì, việc chửi thề không phải là vì tôi không hiểu vấn đề đang xảy ra như thế nào. Hay là vì tôi hạnh phúc khi thấy code mình chạy vèo vèo sau 4 tiếng liên tục chỉ code mà éo cần test (kiểm thử). Thú thật thì nó chỉ là để bày tỏ cảm xúc thôi. Như trong cuốn "Clean Code" (tạm dịch là "Code đéo bẩn"), số lượng câu chửi thề tỉ lệ thuận với độ bẩn của code.

Nôm na ra thì chửi thề không hề xấu, cái xấu là ai nghe được tiếng chửi thề của mình. Nếu đấy là đồng nghiệp, có thể sẽ là một cái gật đầu cảm thông, cũng có thể là sẽ được vỗ vai để cùng giải quyết vấn đề. Nhưng nếu đó là người khác công việc, hay nói rộng ra hơn tí xíu là khách hàng, thì đấy nó đéo ổn, đéo ổn tí đéo nào. Tôn chỉ của tôi luôn là không được gặm đầu khách hàng, có khi còn tụng kinh liên tục câu đó nữa chả là. Bày tỏ cảm xúc là tốt, chí ít là trong những công việc mà não bạn luôn căng như dây đàn, một vài câu chửi thề sẽ đỡ đi phần nào cái sự stress của bản thân, nhưng cũng nên biết điểm dừng. Nếu bạn chửi quá nhiều, đồng nghiệp của bạn sẽ tặng bạn một cái PS5, hay còn gọi là 5 lọ kem đánh răng để mồm bạn đỡ thối. Chửi có nề có nếp, có vần có điệu, một vừa hai phải thôi, đừng quá, quá là dở đấy. Như người đời vẫn nói, nghiện là dở rồi. Chả ai nghiện chửi thề cả.

Mà thôi, lan man về vấn đề chửi thề thì đến thế thôi. Ngôn ngữ mà tôi dùng hàng ngày nó lại không hẳn chỉ là những ngôn ngữ con người không hiểu được. Tôi dùng tiếng Việt, tiếng Anh, và cả tiếng Mán. Sự thành công của một phần mềm không phải vì nó cao siêu đến đâu, mà vì bạn thuyết phục được cho người khác hiểu về sự cao siêu của nó. Dường như nó áp dụng cho mọi thứ, kể cả sản phẩm thiết kế, vì dẫu sao thì chính chúng ta còn chả hiểu chúng ta muốn gì, nữa chả là khách hàng. Trước tôi có phải thiết kế cho một khách một cái bảng treo mà khách đòi là trong tối vẫn nhìn rõ chữ, tối ở đây là tối vãi đái có độc cái đèn đường, bảng treo thì éo có ánh sáng nền. Thế là tôi để bảng đấy màu hơi sẫm xuống còn chữ thì thiết kế vàng óng lên, hợp với màu của ánh đèn đường buổi tối. Rõ ràng là khách chửi tôi không tiếc nước bọt, nhưng tối hôm sự kiện thì tấm bảng đấy nổi đến độ người ta không phải gọi cho khách để hỏi xem nhà anh ở đâu. Thôi không sao, tiền thì cũng nhận rồi, mặt dày lên vài phân kèm thêm ít mưa xuân cũng chả mất cái gì. Ví dụ tôi đưa ra cho vui thôi, chứ nó không có nghĩa lý gì với luận điểm tôi đưa ra cả. Tôi viết theo kiểu nghĩ đâu viết đấy, không có nghĩa lý gì đâu. Tóm lại là, dù bạn là ai, hãy tìm cách nâng tầm sản phẩm của mình lên bằng cách dùng những thứ mà người khác có thể hiểu được.

Hồi còn đi học tôi ghét nhất mấy cái môn biểu đồ, nhưng sau thì tôi lại thấy thích vì chí ít ra là người ta còn hiểu mình nói cái gì. Đôi khi sự đánh giá không đến từ bộ não hiểu ý tưởng qua những dòng chữ loằng ngoằng nhức mắt, mà lại vô thức đi sâu vào đến tận sâu thẳm tấm lòng nhờ vào những thứ sờ sờ trước mắt. Tiếng Anh người ta gọi là Visualize, tiếng Việt chắc dịch đại khái là "Hình tượng hoá". Nôm na là bạn càng mô phỏng được ý tưởng thành những hình vẽ ngộ nghĩnh thì khả năng người đọc hiểu được vấn đề càng cao. Cho dù mấy hình vẽ đấy nó cũng méo đáng yêu chút nào.

Tất nhiên, đấy là công việc phụ của tôi thôi, còn công việc chính của tôi là nhìn vào màn hình màu đen như cái tiền đồ của tôi, những dòng chữ nhiều màu sặc sỡ, và tạo hình ra được những thứ mà người dùng cuối cần nhất. Đấy công việc về cơ bản nó đơn giản thế thôi. Đơn sơ và giản dị. Tôi có thể ngồi ngắm cái màn hình đấy 12 tiếng mỗi ngày mà không thấy mỏi mắt hay muốn đi vệ sinh. Phải chăng khả năng đó không phải được tập huấn khi còn đi học, mà vì tôi thích chơi điện tử.

Một trong những sai lầm của người nghiện điện tử là đi học lập trình. Stress hơn chơi điện tử nhiều. Nhưng cũng không hẳn là sai lầm lắm, vì mình chơi cũng nhiều để biết rằng cái hộp nào phát sáng và nhấp nháy thì chắc chắn có đồng xu hoặc nấm để tăng cấp. Đó, UX (trải nghiệm người dùng) là như thế đó. Hay vì mình thích chơi điện tử đến độ tìm mọi sơ hở trong các bản vá lỗi của nhà phát triển để tìm cách tận dụng (nói choẽ mẹ mõm là ăn gian đi), thì công việc kiểm thử cũng như thế. Mà tôi thì vốn thích kiểm thử hơn, nên việc tôi làm hàng ngày nó cũng nhẹ óc hơn kha khá. Kiểm thử trước khi code, đỡ hơn hẳn là lao bố nó đầu vào xong rồi kiểm thử phọt cứt.

Lý do tôi viết bài này, ờ sao đã đến kết bài cụ nó rồi, ờ thì, bài này giãi bày ra chút gì đấy của người đi làm cái ngành I-Tờ thôi. Chả có gì cả. Tôi nhiều khi cũng chán, vì tôi không thấy mình lên được mấy. Ngày ấy tôi mong mỏi là mỗi ngày tôi phải nhìn lại ngày hôm qua và bảo mày là thằng đuồi bầu rẻ rách. Còn bây giờ tôi nhìn lại mình hôm qua và tự hỏi là hôm qua với hôm nay khác gì nhau vậy. Đó là cái chán của riêng tôi, không thấy mình phát triển hơn mấy, không nhanh, mà bắt đầu có phần hơi chậm lại, chậm đi kha khá nhiều. Đầu óc cũng bắt đầu lú lẫn nhiều hơn, chắc do hậu Covid, tôi thi thoảng quên mất chìa khoá nhà dù nó nằm trong cặp tôi. Cũng may là chưa quên mất là mình có đeo kính, dù đi đường buổi tối có nhìn thấy cái vẹo gì đâu, đi bằng cảm tính hết.

Vậy để làm sao vượt qua cái sự chán chường này, câu trả lời chắc là ngủ. Ngủ là một liệu pháp, hay theo cách gọi của tôi thì nó là một ma thuật hắc ám. Nếu dòng code không chạy được, ngủ một giấc nó sẽ chạy được. Kì lạ thế đấy. Nhưng cũng có lý phết chứ. Khi bạn đã quá mệt mỏi, mọi cố gắng của bạn đều trở nên vô ích. Điều mà tôi không nhận ra khi đã từng OT liên tục trong một tuần dài khi mà mỗi ngày chỉ ngủ chưa đến 4 giờ để kịp cho deadline trước mặt. Deadline chồng deadline, bug đẻ ra bug, đó là những thứ tôi nhận lại khi ép cho cơ thể mình gắng vượt qua nỗi mệt mỏi. Ngủ chắc là cách tốt để gột rửa mọi âu lo trong lòng.

Nhưng khi dậy rồi thì sao, có suy nghĩ không? Có chứ. Thế làm sao nhỉ? Làm dự án nhỏ. Những dự án nhỏ không dạy tôi được gì nhiều, đúng hơn là tôi không dạy tôi được thêm gì lắm. Ơ từ khoan, sai mẹ rồi, dạy nhiều vãi cứt. Tôi từ thằng cứ code đi kệ mẹ người dùng, máy người dùng auto khoẻ, như mấy lão nào làm cái engine cho Crysis ý, 2022 rồi tôi vẫn méo chơi được cấu hình Ultra. Tôi từ cái thằng bập bẹ đấy giờ tôi kiểm soát performance (đại loại là hiệu năng) của ứng dụng một cách điên cuồng, vì méo phải ai cũng có 2 thanh RAM 16GB như mình, chạy một ứng dụng chắc máy họ chuẩn bị đòi đến nhà dưỡng lão đến nơi. Tôi tự dạy tôi đủ thứ khác như là cách làm sao để ép khách hàng sử dụng một thứ mà họ thực sự muốn nhưng ngoài mặt thì chê. Ôi, những side project đáng yêu.

Thôi chắc viết đến đây thôi, tôi còn vài dự định nữa. Nhưng tạm gác lại được rồi. Vài cái hố mà tôi gắng sức lấp đầy, vì tôi không muốn đem con bỏ chợ. Mà bọn con của tôi thì lại đang nheo nhóc quá. Chắc tôi sẽ quay lại đây vào lúc nào đó để kể nốt những thứ còn giữ trong lòng vì cái công việc này.

Trong năm nay tôi cũng chưa có dự định gì nhiều lắm, tôi đang muốn trở thành SA, kiểu kiến trúc sư phần mềm. Ngày xưa tôi thích làm kiến trúc sư, nhưng bố mẹ bảo tôi vẽ xấu lắm đi thiết kế nhà thì chắc nhà sập trước cả lúc ép cọc. Nên thôi, không xây được nhà thì mình xây hệ thống vậy.

Last Updated: