Tôi ghét học. Tôi muốn viết cả một bài văn chỉ với ba từ đấy thôi. Tôi ghét học.

Nói chứ tôi thích học, nhưng là học theo kiểu tự mày mò. Người ta gọi là tự học ý. Ừ đấy là kiểu mà tôi thích nhất, tự mày mò, tự tìm hiểu, tự đâm đầu vào một cái sai rồi tự ngộ ra cái đúng. Lẽ dĩ nhiên, cách học này tốn kém thời gian, có phần vô bổ, và hơn hết là đôi khi không biết mình sai ở đâu, hoặc huyễn hoặc rằng mình là đúng, mình là nhất. Nhưng cách này vui hơn là có một người nào đó đứng trên bục nói luyên thuyên ba câu sáo rỗng để rồi cái kiến thức đấy sau này mình cũng chả biết lúc nào mình sẽ dùng đến nó.

Đoạn trên có một cái sai. Kiến thức không tự nhiên sinh ra, không có định luật bảo toàn đâu. Tuy nhiên, kiến thức mà tôi học được đến giờ vẫn dùng được. Trước đây tôi học sinh học để biết rằng muốn có quả thì trước hết phải ra hoa, phải thụ tinh các thứ mới có quả. Ờ mà sao lại liên quan sinh học ở đây nhỉ? Tôi đã nghĩ rằng nó cũng là một trong số những kiến thức hàn lâm, rằng mình sẽ nói ra ở một cuộc nhậu nào đó như cách tôi giảng lại tư tưởng Hồ Chí Minh với đám bạn đại học sau khi làm hết một vại bia. Nhưng không, tôi trồng cây cà chua, và lúc đó mặt tôi cũng dài ra như những thanh niên thành phố mới ngày đầu về quê cuốc đất ấy. Khoai vãi cả đái, éo biết làm sao để ra được quả sau khi hạt đã nẩy mầm, đấy là chưa kể gieo 10 hạt xuống thì có vài hạt chết, sự chết đấy ảnh hưởng cả đến những hạt còn lại vì nó sẽ thu hút những loài như là chuột đến cuốc hộ mình vào mảnh đất.

Tôi nghĩ rằng giáo dục hiện giờ đang quá là ép khuôn. Giáo dục hiện giờ cũng giống như ngày ấy cả thôi. 20 năm cải cách giáo dục, bình thì không mới, rượu thì không hẳn là cũ, nhưng mà cách thưởng thức rượu thì thay đổi liên xoành xoạch, đến độ người pha rượu còn say hơn cả người uống. 8 tiếng đi học để đào tạo ra đội ngũ nhân sự sau này cũng 8 tiếng lao đầu vào làm những thứ gì đấy một cách hăng say. Giáo dục là sự nghiệp trồng người cơ mà, sao lại liên quan đến chủ nghĩa tư bản với chả xã hội ở đây? Đúng, giáo dục là để nuôi dưỡng tâm hồn, để bồi đầu nhân cách, và cả mấy cái linh tinh như là giới tính nữa. Nhưng vấn đề là trẻ con học một cách loạn xạ ngầu bao nhiêu thứ từ A đến A++, đến Z là xưa rồi, để rồi sau đó lại ép chúng nó lao vào những kì thi mà điểm số quan trọng hơn cả cái quãng đường đến điểm số đấy. Tôi không phải người học giỏi, phải chăng đó là lí do tôi ghét học. Tôi không giỏi khi làm bài kiểm tra cuối kì, nhưng cực kì thích được bước từng bước đến cái bài kiểm tra đó. Tôi được mày mò, được thử này thử nọ để đến cuối cùng đành phải theo ý của một ai đấy.

Có lẽ cũng vì tôi ghét học mà tôi lại càng không giấu giếm cái sự ghét học của mình mà làm tổn thương biết bao người. Vì với tôi việc học nó quá là chán nản, nhưng với họ, họ mong mỏi được đi học còn không xong. Người thì bị người nhà ngăn cản vì sợ thân cô thế cô một mình trên cái nơi xa lạ, học điều hay lẽ phải thì không học mà giao du linh tinh là mất phéng cả tương lai. Người thì nhà chả có gì ngoài cái bờ eo, học được học tới những không học sâu, chỉ đến một ngưỡng nhất định là phải tìm cách cải thiện vòng 2 của gia đình rồi. Thành thật mà nói, tôi chả muốn làm tổn thương ai cả. Nhưng tôi ghét học thì tôi vẫn ghét học thôi.

Sự ghét của tôi có thể lý giải đơn giản vì bị gia đình thúc ép. Rằng phải có bằng nọ bằng kia, phải có chứng chỉ này chứng chỉ nọ. Nhưng rốt cuộc là, mục đích cao cả hơn của việc học là gì? Trồng người, ông vừa nói trên kia rồi còn gì. Giải thích lằng nhằng thế, mà cuối cùng là cũng chỉ để trồng người.

Vì cũng có tí máu nhà nông, nên tôi sẽ giải thích theo kiểu của mấy anh nông dân ngày nào cũng xắn quần đến tận bẹn nhé (nói thế thôi chứ tôi xắn quần đến bẹn là để cứu mấy cái cây bị úng). Được rồi, để trồng một cái cây, bạn cần có hiểu biết về loại cây mà bạn muốn trồng. Trước hết là biết được mùa vụ của nó, chả ai lại đi trồng bắp cải vào mùa hạ cả, trừ phi là điều kiện nhiệt độ đủ tốt. Tiếp đến là chăm đất của cây, rồi xem tuỳ vào điều kiện để dưỡng ẩm cho đất, chăm màu cho đất. Phân bón là không cần thiết nếu như bạn không định làm một cái cây to vãi chưởng mà ăn vào thì méo biết người mình có to vãi chưởng không. Rồi khi cây nhú mầm, sẽ là chuyện nó có lên được hay không, lúc này còn phải tính toán xem là có cái con bỏ mẹ nào như kiểu con chuột, con chim hay con sên trần truồng tính làm trò đồi bại với bạn cây bé xíu của mình không. Phải tìm cách rào nó lại để đảm bảo nó lớn mà không bị bọn biến thái kia chọc phá. Khi cây đã đủ cao, thì lại phải uốn nắn lại, vì cây nó không giống con vật, nó méo biết đường nào đâu, cứ tua tủa ra xung quanh rồi có ngày bật gốc mà rơi vào đầu người đi đường kém may mắn nào không biết. Tiếp tới là giai đoạn ra hoa, tất nhiên không áp dụng với mấy cây rau lắm, vì có phải rau nào cũng có hoa đâu, còn bản thân tôi thì hoa của rau auto đẹp. Bởi lẽ rau mua ngoài chợ làm lìn gì có hoa. Vậy hết một mùa liệu bạn có muốn chặt cây đi không? Nếu bạn là người nông dân đích thực thì chắc là có, bạn nên cho nó ra đi để chuẩn bị mùa vụ tới. Còn tôi trồng cho vui nên tôi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng để nếu nó có già thì tôi vẫn có cái đẻ ngắm. Rau già trông cũng đẹp lắm dù méo ăn được. Giờ bạn có muốn nó vươn ra toàn bộ lan can cho có cái che nắng hè không? Ờ có chứ, thế phải rào tiếp để nó leo. Nhưng cái sự rào ấy cũng đến một giới hạn thôi. Nó sẽ tiếp tục phát triển dựa theo những gì nó đã có từ gốc, từ những cái thân mới nẩy cho tới khi nó bám lên được quanh lan can. Rồi sau đó, ờ thì bạn có muốn thêm thắt cái gì cũng vô nghĩa, vì giờ đây cây của bạn đã có thể tự tồn tại như một sinh vật có trí khôn riêng. Nó không cần đến bạn mấy nữa, ngoài chút nước mà bạn sẽ phải tưới cho nó hàng ngày. Vậy đấy, sẽ đến lúc bạn cần ngừng rào nó, và đến lúc nó phải tự vươn mình ra mà chiến đấu với những điều kiện bất lợi.

Qua ví dụ trên, ta có thể thấy được tôi là một người nông dân chẳng ra gì. Mang con bỏ chợ. Kệ con mẹ nó luôn, lười văn biếng. Ừa thì tôi cũng rào lại đấy, nhưng đến một mức độ nhất định thôi, khi nó đã có thể tự vươn được từ những gì có sẵn, tại sao lại không để nó tự khám phá chân trời đấy.

Mấy dòng dở hơi phía trên có những chỗ sai. Nếu bạn thấy, phiền bạn nhắn lại cho tôi. Vì tôi cũng không phải người học sâu học cao gì cho lắm, sẽ có những chỗ sai. Điều quan trọng là nếu tôi biết mình sai ở đâu, tôi còn biết hoàn thiện mình ở đó.


Một người anh của tôi từng nói rằng ổng không muốn cho con đi học chương trình phổ thông. Ban đầu tôi nghe có phần hơi phiến diện. Theo lời ổng, chương trình toán quá nặng, nhưng đốc thúc ra thì mất đâu đấy 4 năm để nắm vững. Ờ thì nếu thằng con của lão thích tự nhiên, nó có thể dành đúng 4 năm để học hết chương trình phổ thông về khoản tự nhiên. Và lão muốn hướng con lão đến sự mày mò, như cách lão học I-Tờ chỉ vì ngồi đan tóc 4 tiếng cho khách xong chán lòi hơi.

Điều này có tốt không? Tốt chứ. Tôi mà được thế thì tôi lấy mẹ bằng Ai-eo từ cái thời còn ẵm ngửa rồi. Nhưng có tốt cho con lão không? Cái đó vẫn chỉ là một câu hỏi chưa có lời đáp. Vì lão đã có con méo đâu. Biết đâu sau này lại nghe lão gọi qua điện thoại để tư vấn tuyển sinh cho con cũng nên.

Việc đi học ở phổ thông không phải chỉ là tiếp nhận kiến thức, những thứ kiến thức giáo điều, vô nghĩa với thực tế ở một vài khía cạnh là thế; cái thực sự mà con người ta trưởng thành thực ra là mạng lưới của xã hội. Trường là ngôi nhà thứ hai, có điều không thể vừa xem phim vừa chơi điện tử và vừa học được, sao đỏ nó đấm cho éo trượt phát nào. Trường học là một cái gì đấy, theo cách hiểu của tôi, là bản chơi thử cho xã hội mà đứa trẻ đó sẽ đối mặt sau này. Vì nó là bản chơi thử, nên nó muốn làm cái gì cũng được, chơi với ai cũng được, mà không phải nhận những hậu quả quá ư là bi đát. Và hơn hết, nó đối mặt với một số thứ mà xã hội, hay tương lai của nó sẽ phải đối mặt.

Trước hết là sự cạnh tranh. Chả nói đâu xa, thằng bên cạnh làm bài được 10 điểm mà mình ra con 9 chắc mình cũng sẵn sàng lao đầu vào mà học tiếp để bằng được con 10. Vì không thể chịu nổi cái nụ cười ngạo nghễ của một thằng học kém mình mà điểm lại cao hơn mình được. Thời của tôi thì dường như không có mấy, nhưng em tôi thì gắt gao lắm. Khổ thân em. Sự cạnh tranh không chỉ đến từ điểm số, mà còn quyết định phần thưởng sau một đợt học, rõ ràng học sinh giỏi được thưởng nhiều hơn tất cả, thế sao không cố mà lấy danh hiệu học sinh giỏi. Chưa kể thi cấp 3 còn được cộng điểm thì tội quái gì không lao vào lấy cho bằng được. Một điểm cộng quý giá vô cùng.

Tiếp đến là các mối quan hệ. Nếu đóng kín cửa lại thì chả mấy mà thành trẻ tự kỉ. Cái mùa Covid vừa rồi ối ông cho con đi khám bệnh tâm lý. Đấy là cái sự dở của việc học online khi mà bọn trẻ không thể giao tiếp với nhau như cách bình thường. Tất cả chỉ có màn hình và bàn phím, chúng nó có thể gọi cho nhau mà, đúng không? Nhưng là mượn máy bố mẹ gọi cho nhau hay là quay số trúng thưởng như thời mà điện thoại di động còn chưa phổ cập đến từng ông bố bà mẹ? Giao tiếp như thế có lẽ chỉ hợp với những đứa lớn, khi mà mối quan hệ của chúng vốn đã quá khăng khít, không còn lo ngại về cách trở địa lý hay cái màn hình to tổ bố phát ra ánh sáng xanh hại mắt mỗi ngày. Mối quan hệ trong xã hội cũng na ná với trường học thôi, có điều như bố mẹ vẫn dậy, chọn bạn mà chơi con ạ. Nó không trong sáng được như khi còn bé, khi mà lũ trẻ chưa phải suy nghĩ gì nhiều. Nhưng phải chăng những mối quan hệ đấy sẽ theo bước chân ta đến mãi sau khi chúng ta chăm bẵm đứa trẻ của mình.

Sau cùng là, tôi sẽ thay thế bằng một câu tục ngữ: "Học thầy chả tày học bạn". Cái này tôi nghĩ là đúng. Suy bụng ta ra bụng người tí nhé. Tôi thích tự học đấy, nhưng vì không có ai để hỏi, nên là nhiều khi thấy mình mông lung lắm, không biết giải pháp này đã là tốt nhất chưa. Nhưng nếu có một người bạn cùng học cái mình đang học, hai đứa sẽ tiến lên khá xa, xa hơn cả cái mà người thầy của chúng mong đợi. Tôi từng dạy cho bọn sinh viên cùng lớp cách để qua môn, dạy chúng nó giải những bài mà với chúng nó là siêu khó. Chúng nó sẽ khó có thể qua môn, hoặc chật vật để qua điểm liệt nếu không có một vài thằng sẵn sàng giúp đỡ? Không hẳn lắm, mà đơn giản tôi dạy bọn nó vì tôi muốn rủ bọn nó đi chơi điện tử, mà bọn nó thì bảo đang bận học. Ơ thế để tao hướng dẫn cách giải luôn nhá. Có phần nào đấy sai trái, nhưng cũng là cái tốt, khi mà có người kèm cặp mình, lại hiểu mình hơn là một ông thầy vốn dĩ phải nhòm cả lớp hơn 50 mạng. Tốt hơn nhiều chứ.

Trình bày đến đây thôi. Suy cho cùng giáo dục của Việt Nam thiếu khá nhiều thứ, mỗi cải cách, mỗi đời bộ trưởng lấp đầy một ít. Tuy là một ít nhỏ nhoi nhưng cũng có cái đầy hơi hơn. Tôi chỉ mong rằng cái thằng nào đấy cầm con dấu đỏ có cái nhìn tổng thể hơn một chút, để thấy được cái thực sự cần phải sửa thay vì lấp bê tông vào chân cầu và để cho phần giữa nứt toác vì nắng hè.


Giả sử học phổ thông cũng có đăng ký tín chỉ như đại học thì sẽ thế nào nhỉ? Lúc này sẽ không còn ai kêu nặng nữa chứ? Hay cả một đời phụ huynh lại oán than vì học không đến nơi đến chốn?

Không, vì sự đa dạng của môn học. Mô hình tín chỉ áp dụng được ở Đại học có lẽ vì sự đa dạng là nhiều hơn. Một học phần về phần cứng có thể dẫn đến một loạt các học phần khác nữa. Sinh viên có đủ sự lựa chọn về cái mà mình mong muốn được đi sâu.

Trở lại câu chuyện ở trên, nếu một đứa trẻ muốn được chuyên sâu về tự nhiên, cụ thể là môn vật lý, nó sẽ có vô số các lựa chọn để học như toán học hay hoá học. Vì để chuyên sâu một cái gì, thì trước hết phải có căn bản, mà căn bản thì cũng cần gốc rễ. Rễ thì khó chăm lắm, nhưng một khi đã nuôi được thì nó không dễ bị bung ra đâu.

Nếu đó thực sự là cái mà xã hội này đang hướng tới, phải chăng cái học bạ hay những thứ chứng chỉ sẽ không còn áp dụng cho mọi trường hợp nữa. Học sẽ là khai phá, người dạy sẽ là giáo sư thực sự, thay vì những cái máy nói đến khàn cả cổ.

Liệu có khả năng nào áp dụng được không? Có, nhưng sẽ là từng bước, mà cái này, có lẽ mấy trường tư áp dụng dễ hơn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu thống nhất bỏ học bạ của Bộ Giáo dục, sẽ dẫn đến kha khá những thứ phải tinh gọn theo. Cái chính là giống như tôi làm phần mềm, nếu nó đã chạy được, tại sao tôi phải tối ưu nữa chứ? Tôi vẫn sẽ tối ưu, vì chạy được không có nghĩa là chạy tốt. Còn các quan trên, vốn mang trong đầu cái tư duy bảo thủ, thì khó mà ép họ theo được, trừ phi có những đối tượng mới mẻ hơn, tiếc là phần lớn nằm trong một cái lò bát quái khiến cho cái nắng hè này lại càng thêm phần gay gắt.

Vả lại nếu đó thành sự thực, tôi không biết các giáo viên dạy môn phụ như Sử hay Địa, hoặc Giáo dục Công dân có oán trách gì không. Vì tôi e là số lượng học sinh muốn học mấy môn đó không có nhiều. Còn quyển sách Sử thì càng lúc càng mỏng hơn. Có điều những thứ quan trọng nhất thì lại chẳng được dạy kĩ gì cả.

Lệnh trên truyền xuống. Cứ thế mà làm. Phải sáng tạo. Nhưng sáng tạo quá thì biến mất. Thế ai dám sáng tạo nữa?

Last Updated: