Lợi ích với tôi không phải phạm trù nào đấy cao cả, tôi tự nhận mình suy nghĩ đơn giản, nên lợi ích với tôi có lúc ngắn có lúc dài. Nhiều khi chỉ là giúp người bạn học lại 7 lần một môn ra trường, tôi có toàn quyền với mọi thứ hắn ta chiêu đãi. Lợi ích thật nhỏ nhoi so với tổng tiền mà hắn phải nộp cho bộ giáo dục của nước nhà. Đôi khi lại chỉ là một cái nắm tay, cho dù là đến một cách khá là khiêm cưỡng, khi mà chân tôi thì đau nhưng đồng đội bắt hai đứa nắm tay đi lên triền cát. Một sự thoả mãn trong lòng vì mình cũng chả biết làm cách nào có thể nắm tay người con gái ấy.

Về từ vựng thì tôi càng kém hơn, tôi không định nghĩa nổi từ lợi ích, nhưng dường như nó hiện hữu với tôi kể từ khi mới lọt lòng cho cả đến những năm tháng mài mòn mông dưới mái trường phổ thông. Đôi khi là giúp người này qua môn học nọ, đôi khi là cho mượn quyển vở cái bút, hay thậm chí là cố tình học môn đối chọi nhau để còn phát huy hết sức mạnh trong những giờ kiểm tra. Và có lẽ không thiếu những pha học phòi não, đến vài ba giờ sáng chỉ để có được một bộ PC nhằm thoả mãn cái gu chơi game rất chi là tốn kém của mình.

Quãng thời gian ấy, cái gọi là lợi ích tôi chỉ mới được học qua những thứ giáo điều như môn Ngữ Văn hay dịch phọt phẹt từ "benefit" trong môn Tiếng Anh. Và thi thoảng tôi thấy nó xuất hiện trên vài tờ báo chính thống và phi chính thống. Thực sự để mà nó đi vào lòng tôi là ngày đầu học cái môn quái gì liên quan đến Quản trị học, giảng viên nói rằng các bạn đều có chung một mục đích, các bạn là một lũ lợi ích nhóm. Không phải cái gì đó phiến diện như trên báo hay phản ánh về ông A bà C, mà chỉ đơn giản là một đám sinh viên cùng muốn giúp nhau vượt qua cái môn học vừa lý thuyết mà vừa củ chuối này thôi.

Lan man lung tung là thế, nhưng ngay từ thời điểm mà tôi vẫn còn cắp sách đến trường, tôi đã va chạm với những thứ như là xung đột lợi ích. Rằng bạn chả cho mình cái gì thì bạn làm gì có quyền để mượn mình tờ giấy kiểm tra chứ? Ơ hay, không cho đi thì lấy cái chi chi để nhận lại, bạn cho mình lần này thì lần sau có gì mình cũng cho bạn chứ. Tuy là suy nghĩ từ thời còn bé tí, nhưng cái suy nghĩ ấy có lẽ một phần đến từ phía gia đình, phần khác từ những người bạn học chơi thành từng nhóm. Ấy thế nên cái thời cấp 1 với cấp 2 tôi coi như muốn quên lãng luôn, một lũ chia bè kéo phái để ra vẻ ta đây thượng đẳng hơn người, hay là đấm nhau để thể hiện rõ sự anh hùng, hoặc là dèm pha chửi những người có khiếm khuyết về ngoại hình. Ngày ấy mà phong trào boi-đì-sam-sung với mạng I-tờ-nét mà phổ cập thì chắc mấy đứa đấy mệt mỏi lắm.


Phải chăng chúng ta tồn tại vì lợi ích? Đôi khi tôi tự đặt câu hỏi như vậy, mong muốn có ai đó sẽ giải thích cho mình, rằng có vô vàn thứ hay ho hơn chỉ là vài cái lợi ích nhỏ nhoi. Nhưng để ngẫm xem nào, lợi ích khi tồn tại là cái quái gì nhỉ?


Người ta thường mĩ miều gọi hôn nhân là đích đến của tình yêu, có người lại cho rằng đó là mô chôn của mối tình. Người thì thăng hoa trong sự nghiệp, kẻ thì trầm cảm hết tháng này qua năm nọ vì sự đồng cảm giữa hai bên, hay sự chia cách giữa tư tưởng. Tôi không muốn nói dông dài lắm về cái gọi là tư tưởng giữa các bên trong liên quan trong một mối quan hệ tình cảm, bởi tôi đã trót lan man từ mấy bài trước rồi. Suy cho cùng, mắt xích lớn nhất của một gia đình, có lẽ chỉ là con cái. Một chất keo để kéo hai cái cá thể trầm cảm lại với nhau, và vun đắp một thứ mà người đời gọi là mái ấm. Phải rồi, cho dù chúng ta hết yêu nhau, chúng ta vẫn còn một thứ gọi là trách nhiệm trên danh nghĩa của mối quan hệ vợ chồng. Nói cách khác, thứ này gọi là lợi ích của thế hệ mai sau.

Vì tương lai con em chúng ta, đạp chết cha con em chúng nó. Câu này nói cho vui thôi, dẫu có thật một vài phần. Vì lợi ích của con, cha sẵn sàng chịu đựng mẹ con vốn lắm mồm và toàn nói điêu. Vì lợi ích của con, mẹ sẵn sàng sống với một người mẹ chẳng có tình cảm gì, lấy chỉ vì hợp nhau trong một khoảng thời gian thử tình, và vì mẹ cũng gần hết cái xuân xanh rồi. Mẹ sẵn sàng chịu ôm con ngủ trong những đêm bố đi công tác xa, chẳng hoài nghĩ xem ông ta đang làm cái gì nơi xa ấy. Bố sẵn sàng ngủ lại tại công trường, gạt đi những biết bao những thứ như cờ bạc gái gú, để mang về cho tổ ấm của mình cái gì đó. Cả hai người cùng nhau vun đắp để sao cho đời con không khổ như đời bố mẹ. Làm sao con có thể tự vững bước trên con đường đời vốn đầy chông gai và thử thách.

Dẫu tình cảm và sự hi sinh có lớn lao đến mấy, vẫn có những thứ không thể bền chặt. Lũ con thơ ngày nào đã khôn lớn, đã có vợ có chồng, cũng đến lúc chúng nó có con. Và chúng nó sẽ lại trở lại một vòng lặp như thế, có thể tốt hơn, có thể xấu hơn, chẳng ai biết trước được. Còn tình cảm của chúng ta, có còn được mãi như thế không, hay chỉ là chúng ta đã không còn chung nhau một lợi ích nữa. Xét theo góc nhìn nào đó, những đôi như vậy, chẳng sớm thì muộn cũng người ai nấy đi. Bởi họ sau cùng, vẫn phải tìm được lợi ích riêng cho bản thân. Thoả mãn cái lợi ích cá nhân, hay ích kỷ một chút, chẳng là gì sau khi lợi ích khách quan nhất, thứ mà người đời nhìn vào, đã trọn vẹn.

Một đôi vợ chồng liệu có sống đến đầu bạc răng long, nếu như họ không có chung lợi ích? Lợi ích về tình cảm, về tài chính hay là lợi ích của thế hệ tương lai. Cái đó tôi cũng không biết nữa. Vấn đề này có lẽ thuộc về thế giới quan của mỗi người, thứ chả hình thành từ cái gì, cũng chẳng tồn tại trong bất cứ đâu, nó nằm sâu trong tiềm thức. Sự nhìn nhận.

Sau cùng, nếu đặt được trên bàn cân, tôi khá chắc phần lớn không yêu nhau vì Stockholm, mà bởi họ có chung một lợi ích lớn lao nào đó. Nếu sự yêu nhau vốn dĩ không phải là một vụ đổi chác, thì cưới xin lại quá dễ dàng được đánh đồng để phục vụ lợi ích nào đó. Chúng ta sống vì lợi ích nào đó, không phải vì bất cứ cái gì lý tính hay cảm tính.


Dạo trước, chắc cũng được hơn năm rồi, ở một cái bán đảo nào đó của nước láng giềng xuất hiện phong trào ô dù. Lợi ích lại hiện lên một lần nữa. Thoạt nhìn thì nó giống như mấy phong trào của sinh viên thời mà ông cha ta còn đang cật lực đấu tranh vì ngày mai tươi sáng. Nhưng nhìn kĩ thì là một vụ xung đột lợi ích liên quốc gia, mà cái giá phải trả cũng chính là ngày mai sáng tươi đó.

Một phong trào đòi quyền bình đẳng, đòi tự do đối với nước sở tại. Nếu như nó diễn ra ở đâu đó gần lãnh thổ của mấy con gấu nâu tu vodka, thì hẳn đó đã là một phong trào li khai. Còn nói theo cách của chính trị của con dân Đông Lào thì đây gọi là diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ. Nhưng thôi, tên như nào thì cũng thế cả thôi, đòi độc lập hay cách mạng màu, chung quy cũng chỉ để phục vụ lợi ích của ai đó.

Giới sinh viên thì đòi phải độc lập, phải trở về như cái thời mà có mấy anh da trắng tóc vàng cắm cờ. Mấy ông chính phủ thì tất nhiên là không đồng tình, cái sự bạo loạn đấy sẽ chỉ có kéo công sức của bao thế hệ đi vào ngõ cụt. Tất nhiên có đổ máu, có xây xát, có bịt bợm, có cả tuyên giáo. Sức công phá của phong trào lớn không kể xiết, thu hút bao nhiêu ánh mắt của bạn bè "quốc tế", để rồi nó cũng biến mất như cách nó xuất hiện. Đến giờ lợi ích của bên nào thực sự nhận được vẫn là dấu chấm hỏi khá to.

Với một người suy nghĩ đơn giản như tôi thì, lợi ích chắc hẳn đến từ nước sở tại là phần nhiều. Một vụ bê bối chính trị nho nhỏ, thu hút được một đám dở người tự nhận mình là cấp tiến, phá hoại biết bao công lao của thế hệ đi trước trên cái bán đảo bé xíu - mà điện nước vốn lấy từ đại lục ra. Rõ ràng, họ đã thu hút được nguồn vốn đầu tư từ cái bán đảo đó về một số nơi khác an toàn hơn, ít xảy ra những vụ xô xát và cản trở công việc hơn.

Cộng đồng "thế giới" thì hả hê, rằng rốt cuộc cái thằng bé cũng sẵn sàng đấm nhau với thằng to. Nhưng lời nói là lời nói, hành động là hành động. Mà thường thì học có mấy khi đi với hành. Lời nói ấy chỉ báu mấy thằng chạy nền tảng, tự dưng có cái để thu hút sự chú ý, ăn thêm vài đồng từ quảng cáo và sẵn sàng tiêu diệt những kẻ gây ảnh hưởng đến nguồn thu từ sự kiện lớn này.

Còn cái gọi là lãnh đạo "thế giới" họ có thêm lí do để đưa ra những thứ vô nghĩa như là chiến tranh. Chiến tranh vốn vô nghĩa mà, nhưng vô nghĩa với những người thực sự hứng chịu thảm hoạ của chiến tranh thôi. Còn những kẻ khơi mào, vẫn là những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến.

Lợi ích của đám sinh viên đó cũng có, nhưng kể sao được so với những gì họ đã gây ra. Bất chấp được ủng hộ từ những người bạn bè quốc tế kia đi chăng nữa, họ đã tự đào mồ chôn tương lai của mình. Có chăng những phần tử cầm đầu lại được đổi lấy một tương lai khác, tươi sáng hơn. Ấy thế mới thấy, lợi ích mà truyền thông mang lại nhiều như nào. Một cuộc biểu tình nho nhỏ, truyền thông tự thổi lên rồi tự hạ xuống, vận hành trơn tru đến độ cả những kẻ thông minh nhất cũng không nhận ra ai là người thực sự hưởng lợi.


Tôi vẫn giữ suy nghĩ đơn giản. Nếu không hưởng được chút lợi nào thì lắng nghe mà đưa ra quyết định đầu tư. Với nhiều người thì tôi là một tên khốn, nhưng với tôi, lợi ích từ sự chênh lệch tỉ giá cũng đã là một sự đầu tư có ý nghĩa rồi.


Trước khi Facebook được đón nhận ở Việt Nam, tôi vẫn nhớ cái thời tôi phải cài VPN để vào được facebook, mà cái thời đấy chỉ vì trên đó có trò Tetris, còn trên Zing chả có cái mả mẹ gì mà chơi. Tôi tự dưng thấy sướng hơn lũ cùng trang lứa, được tiếp xúc với nhiều thông tin đa dạng và đa chiều. Lúc đó tôi nghĩ là mình sướng, nhưng sau tôi thấy mình dại nhiều hơn. Tuy vào cái thời kì nó bất ổn như thế, tôi vẫn có được những người bạn mà sau này sẵn sàng sát cánh cùng nhau.

Điều tôi thấy lạ kì ở xứ Đông Lào chắc là gần mấy ngày lễ lớn là kiểu quái gì băng thông mạng cũng bị bóp một cách triệt để. Cáp quang biển khó đứt lắm, hoạ hoãn lắm nó mới gãy một nhịp, nhưng còn đa số các nhịp khác, và ở đây còn trộm vía có tới 3 nhà mạng viễn thông chạy được đường dây quanh cái dải đất hình chữ S cơ mà. Ấy vậy mà, bóp vẫn hoàn bóp, cũng may tôi cũng chả có nhu cầu vào mạng trong mấy ngày đấy lắm, tôi thường dành thời gian để đi chơi nhiều hơn.

Tôi cũng tự hỏi là sao mấy lão trên lại đòi bóp mạng như thế nhỉ? Rõ ràng nếu với dân trí của hiện tại thì số người biết dùng VPN chắc cũng phải cao lắm chứ. Chính các ông đòi chặn mấy trang khiêu dâm để rồi con dân ai cũng biết 1.1.1.1 là gì mà. Bóp thế làm sao che mắt được mấy anh hùng luôn có lọ dầu trơn và khăn giấy cạnh bàn như chúng tôi được?

Để hiểu được lãnh đạo thì tôi sẽ phải đặt mình vào vị trí của lãnh đạo và tự đặt ra các vấn đề:

  • Có bao nhiêu người biết dùng VPN?
  • Có bao nhiêu người không chửi hùa mỗi khi có biến trong các lĩnh vực văn hoá, như là anh chàng ca sĩ nào đấy cặp kè với người mẫu, như là chửi trọng tài sau khi đội nhà về bét bảng, hay khi có một anh nông dân làm ra cái máy gặt trong khi ông kĩ sư chẳng làm nổi con ốc vít?
  • Có bao nhiêu người trong số đó có tư tưởng cách mạng?
  • Có bao nhiêu người có khả năng tự xử lý thông tin?

Và vô vàn những câu hỏi khác bắt đầu bằng "Có bao nhiêu..." Sau khi tính toán một hồi, một cách định tính, nếu so với 100 triệu dân, chắc cỡ 10 triệu người may ra đủ được 2 trong số các tiêu chí ở trên. Và số lượng người thoả mãn tiêu chí cuối cùng thậm chí còn ít hơn cả.

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên số, kỷ nguyên bốn chấm không như cách lãnh đạo chúng ta hô hào, nhưng buồn thay, chúng ta thiếu kĩ năng xử lý thông tin, vốn dĩ là tích luỹ từ những kỷ nguyên trước đó. Đi tắt đón đầu thì nhanh, nhưng như một toán kỵ binh, chúng ta lao lên mà không để ý những gì phía sau. Có gì đó không đúng ở đây? Nếu theo chiến thuật kỵ binh thì cái đội bộ binh sẽ xử lý chỗ còn lại đúng không nhỉ? Nhưng không, lao nhanh như vậy mà không có những bước đi vững chãi phía sau thì chỉ có lao vào hố chôn tập thể. Mà đống mồ đấy thì ai đào chắc ai hiểu thì sẽ chả dám lao vào.

Vậy, bóp băng thông có phải là điều tốt? Tốt với xã hội khi mà mặt bằng dân trí vẫn thấp? Đúng và không đúng. Đúng để cản những thành phần hiểu biết ít, trải nghiệm nông lao vào những hố sâu đã đào sẵn. Không đúng vì như thế thì còn gì là quyền tự do cá nhân, quyền riêng tư của mỗi con người nữa chứ?

Thế xã hội dân trí cao họ sẽ làm gì? Họ chẳng làm gì cả, vì họ có hàng tá những nhà mạng viễn thông luôn tranh giành địa bàn với nhau, họ chẳng phải quân cờ cho bất cứ thế lực nào cả. Không. Nếu chỉ nhìn thế thì sai hẳn rồi. Họ có một thứ tồi tệ hơn cả chính là truyền thông. Nếu trong xã hội phía trên thì truyền thông bị bóp nghẹt bởi một chủ thể, thì ở xã hội này truyền thông có sự tương tác giữa các chủ thể khác nhau, tạo ra nhiều luồng ý kiến, nhưng cái chính nhất vẫn là một.

Kì lạ thay, những người ra rả rằng lợi ích của công dân là trên hết, lại là những kẻ thao túng quyền lực truyền thông nhất. Lãnh đạo cho rằng phải đa chiều thì dân mới nể, nhưng đa chiều theo hướng có lợi cho họ nhất. Kẻ thực sự đạt được lợi ích là kẻ đứng sau toàn bộ, kẻ cầm toàn bộ sức ảnh hưởng về kinh tế đến toàn thể đất nước. À khoan, chắc gì đã có đất nước ở đây, chung quy lại vẫn chỉ là một nhóm lợi ích. Mà lợi ích thì, chẳng phải ta tồn tại vì lợi ích sao?


Bài viết này không nói lên thực trạng. Không phải là kích động. Cũng chẳng hề bôi nhọ bất cứ ai.

Không phải thuyết âm mưu. Không phải thuyết sự sống.

Quan điểm cá nhân của tôi là thế. Tôi cần người đứng ra phản biện lại, không hẳn lắm, cần người chỉ ra những chỗ sai của tôi. Chí ít là thế.


Tai không muốn nghe. Mắt không muốn nhìn. Miệng không muốn nói. Đầu không muốn tư duy. Tất cả chỉ là ảo ảnh của thực tại.

Last Updated: