Nếu có một ngày rảnh rỗi, chắc chắn tôi sẽ dành thời gian ra để chơi điện tử. Tôi tự biết đó không phải thú vui lành mạnh với một người như tôi, vốn dĩ đã quá bận bịu với công việc, thời gian cho bản thân còn chả có nữa là thời gian đi tán gái. Song, nếu có trò nào đấy hay hay mới ra mắt, hay trò nào đấy đang trong dịp giảm giá là tiện tay mua luôn rồi đợi đến một dịp rảnh rỗi để cày cho nó đã. Nhiều khi đang chơi dở mà phụ huynh đi qua lại quẳng cho cái lắc đầu cùng tiếng thở dài đầy ái ngại. Nào là "bằng tuổi mày người ta có vợ hai con rồi đấy" hay là "cuối tuần thì ra ngoài đi chơi đi tập đi cho nó khoẻ người, chơi điện tử làm gì cho hại mắt". Cơ mà, như thời còn mài đũng quần dưới mái trường phổ thông, có cấm thế nào cũng không thể cấm tôi làm vài ván điện tử.
Hồi bé tôi chơi điện tử không phải vì không có việc gì khác để làm. Hồi bé tôi có bao nhiêu là trò chơi, từ mấy trò đồng đội như bóng đá, đuổi bắt, đến mấy trò ngồi một chỗ và cần nhiều kĩ năng như ô ăn quan hay bắn bi. Tôi chơi đủ cả. Và điện tử với chúng tôi lúc đó giống như thể một trải nghiệm mới lạ. Ô tại sao một cái cục thù lù, mỗi lần bật lên kêu ro ro, điếc tai và nóng phòng như thế, lại có thể vẽ ra nào từ chiến binh với rồng, đến máy bay và tàu vũ trụ. Rồi chỉ với vài thao tác chuột hay bàn phím cơ bản là đã khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn rồi. Với tôi lúc đó, đây là trải nghiệm thú vị nhất, tất nhiên là xếp sau mấy cái hiệu ứng bay nhảy trên Powerpoint.
Lớn dần, nhà tôi có mạng, thế là tôi biết đến trò chơi điện tử trực tuyến. Và một lần nữa, tôi bị cuốn vào cái đó. Thuật ngữ thời đó gọi là ma tuý số, nôm na là nghiện điện tử. Trò chơi trực tuyến thì vui hơn cả, bạn có nhiều thứ để khám phá hơn. Nội dung trong trò chơi cũng được cập nhật liên tục, chứ không phải chỉ vỏn vẹn vài chương cốt truyện như Starcraft hay hành trình trừ gian diệt bạo của Gordon Freeman. Và quan trọng hơn cả, bạn phải giao tiếp liên tục với nhiều người chơi cùng để hoàn thành một cửa ải khó khăn. Thứ mà trò bắn tăng mới chỉ dừng lại ở 2 người. Tôi thích thú với cảm giác đó một thời gian dài, đến độ có lúc phụ huynh còn bảo có ngày mày chả biết giao tiếp với người xung quanh nữa đâu.
Nhưng chơi mấy trò điện tử trực tuyến nhiều thì dần dà cũng sinh chán. Bởi lẽ, cho dù nội dung trò chơi được nhà phát triển liên tục cập nhật, cơ mà lối chơi (gameplay) lại ít được chú trọng. Phần lớn các sự kiện hay kể cả việc cày kéo cấp độ của nhân vật cũng thành một vòng lặp nhàm chán. Mà trò nào tự hiểu sự nhàm chán ấy sẽ tạo ra cơ chế tự động (automation) để thời gian chơi ngắn lại, và người chơi có nhiều thời gian để làm việc khác hơn. Còn những trò chơi không nhận ra cơ chế ấy, thì người chơi lại là đơn vị tạo ra cái sự tự động ấy. Nhiều nhà phát triển, những tác giả không muốn thấy đứa con tinh thần của mình, với lối chơi đòi hỏi sự giao tiếp cao độ giữa các người chơi thành một cái bãi tha ma với toàn cỗ máy tự động hoá (bot), thì ra sức tìm cách để tiêu diệt đàn bot. Nhưng sau cùng, cái sự ngăn chặn ấy cũng đi tới hồi kết, hoặc là họ chịu thay đổi để khiến mình hấp dẫn hơn, hoặc họ chấp nhận để lưu giữ lại mọi thứ vì lo sợ mất đi tâm huyết của thanh xuân.
Còn giờ, nếu có tiền và thời gian, tôi chỉ mua và chơi những trò không cần kết nối mạng (game offline), hoặc những trò chơi có tính cộng đồng cao (game co-op). Lý do lớn nhất không phải vì lo sợ thời gian lãng phí, hay nhà phát hành bỏ mình, mà vì tôi không khoái cái việc phải chơi đi chơi lại một kiểu, và hơn cả là tính cạnh tranh. Tôi thích thưởng thức những tuyệt phẩm mà các nhà phát triển game phải dành nhiều công sức để cho ra ánh sáng. Tôi mất khá nhiều thời gian, cả từ tự làm đến tìm hiểu, để biết rằng, mỗi trò chơi được phát hành đã là một phép màu. Nhiều trò chơi mất hơn 7-8 năm phát triển để rồi bị bỏ ngỏ giữa chừng. Và tuyệt phẩm thì thường nó có lối chơi, cốt truyện và khả năng thay đổi cách thức chơi rất sáng tạo. Tôi có thể dành hàng trăm giờ chỉ để chơi đi chơi lại The Witcher hay đống Legend of Zelda, bởi đơn giản mỗi lần tôi chơi tôi lại chơi theo một kiểu khác nhau. Và cho dù chơi theo kiểu nào, tôi cũng có một trải nghiệm khác nhau.
Tóm gọn lại các ý trên, một game mà tôi cho là tuyệt phẩm là một game có giá trị chơi lại.
Nếu là một Call of Duty thời có Captain Price rồi Ghost hay Soap, thì game thủ có thể dành hàng trăm giờ chỉ để chơi đi chơi lại mạch chính cốt truyện. Cơ mà với các bản CoD gần đây, người ta chỉ chơi được quá lắm là 6 tiếng cho phần cốt truyện chính, còn lại sẽ là chơi trực tuyến. Và tất nhiên trải nghiệm của phần chơi nhiều người nó đủ hay để con game ấy sống đến tận ngày nay. Tôi không phản đối việc đó, ngược lại tôi ủng hộ sự sáng tạo trong việc thay đổi gameplay. Có khi chỉ đơn giản là một khẩu súng ngắn được thêm vào, một đạo quân mới hay một mode chơi riêng biệt, cũng làm cho người chơi sẵn sàng dành hàng giờ để khám phá. Và cho dù có dành hàng giờ, bạn vẫn học được một cái gì đó mới từ người chơi khác trong hàng ngàn giờ try-hard.
Có lẽ tôi sẽ nhắc tới giá trị chơi lại của một tựa game trong một bài viết khác. Vì phần này có nhiều ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi, cũng như liên quan đến tâm sinh lý của người chơi. Đó sẽ là một chủ đề nghiên cứu hay ho cho những người theo ngành UX Research (nghiên cứu trải nghiệm người dùng). Cơ mà với nội dung bài này, đây chỉ là một luận điểm nho nhỏ.
Người ta thường nhắc tới điện ảnh như một loại hình nghệ thuật thứ 7. Điện ảnh là sự kế thừa từ văn thơ, từ âm nhạc, từ hội hoạ tới kịch, và tới phim. Người ta xem phim như để thưởng thức toàn bộ mọi thứ, từ hình ảnh đến âm thanh, từ nội dung xuyên suốt đến cách thức mà đạo điễn cùng diễn viên thể hiện trong từng khung hình.
Nếu nói tới điện ảnh, tôi có cả một danh sách dài các bộ phim muốn xem đi xem lại, kể ra thì hơi dài dòng nên là tạm thời thôi. Cái điểm chung nhất mà tôi thấy cả điện ảnh lẫn trò chơi điện tử có được là trải nghiệm và giá trị xoay vòng (xem lại/ chơi lại). Với điện ảnh, mọi thứ được bày ra trước mắt của người xem, để họ cảm nhận từng chút nghệ thuật được rót một cách tỉ mẩn vào đầu họ trong vài chục phút. Với trò chơi điện tử, giá trị nghệ thuật ấy được người chơi đánh giá bằng chính thao tác của họ với nhân vật mà họ điều khiển. Có thể nói, đã có thời tôi coi trò chơi điện tử là đại diện xuất sắc nhất để thành loại hình nghệ thuật Chủ Nhật (sau thứ 7 chả là chủ nhật 😄). Người chơi cũng như một khán giả coi phim, tuy nhiên họ được trải nghiệm nhiều hơn, họ được hoà mình với khung hình chứ không phải ngồi nhai bỏng và xem anh Leo tuột khỏi ván gỗ trên tàu Titanic. Họ được trải nghiệm cảm giác lạnh lẽo ở nơi giam giữ những kẻ điên, họ được trải nghiệm sự kì vĩ của những đỉnh núi hay những con sông ở chính Trung Địa, họ được thoải mái dù ít dù nhiều với việc điều chỉnh chuyện gì sẽ diễn ra kế tiếp. Và quan trọng hơn cả, cho dù tàu Titanic có chìm, hay Sauron có biến Trung Địa thành bình địa, thì ở lần chơi sau, họ vẫn có thể phá tan tảng băng trôi và quét sạch binh đoàn từ địa ngục.
Dẫu vậy, chúng ta vẫn không thể thay đổi được rằng Frodo đã ném chiếc nhẫn đầy quyền năng vào miệng núi lửa (mặc dù rõ ràng là do thằng Gollum tuột chân). Nhưng dù đọc đi đọc lại 3 phần của "Chúa tể những chiếc nhẫn" hay dành 14 tiếng xem lại bản không chỉnh sửa siêu siêu đẹp của bộ phim từ thời những năm 2000, tôi vẫn cảm thấy khoan khoái lạ thường. Có lẽ do tôi đam mê cái thế giới kỳ ảo và vô cùng kỳ vĩ ấy, nhưng có một điều tôi dám khẳng định, sự sống còn qua những trận đánh, hay những khi Sam cảm thấy mất hi vọng, đã in sâu vào trong ký ức tôi từ khi tôi xem nó lần đầu. Cái tính xem lại của phim chỉ càng khẳng định rõ ràng hơn rằng một bộ phim không thể chết.
Âm thanh cũng vậy. Tại sao có những thứ nhạc cụ dân tộc như đàn bầu lại không thể thay thế? Phải chăng do âm thanh của nó đã được hằn sâu qua từng thế hệ con người Việt Nam? Hay bởi dù có những công nghệ tân tiến thế nào, dù keyboard được đổi mới với những bộ hoà âm phối khí sắc sảo cũng không thể thay thế được âm thanh luyến láy xoáy sâu vào trong tâm hồn của từng người nghe nó. Có lẽ thế và có khi cũng chả phải. Hoặc do nó được sử dụng để chơi nhạc tiễn người đi qua con sông quên lãng, đưa linh hồn người mất đi về nơi xa, nên chúng ta mới lại nhớ đến nó lâu như thế? Cũng có thể mà cũng không hẳn.
Một đồng xu luôn có hai mặt, có lẽ do chúng ta bị bó buộc trong thế giới 3 chiều, nên đồng xu không thể chỉ có một mặt. Đến tờ giấy để vẽ lên còn có mặt trước và mặt sau. Thì phải chăng xã hội và tất cả những thứ ràng buộc trong thế giới quan của con người cũng thế. Mặt thứ ba của tờ giấy chắc là độ dày, nhưng chẳng ai vẽ gì lên độ dày của tờ giấy cả. Mặt thứ 4 có lẽ là thời gian, qua thời gian, tờ giấy sẽ dần tan biến.
Nhưng âm thanh thì thật lạ. Nó tồn tại xuyên suốt. Được đánh giá và nhìn nhận bởi những kẻ kẹt ở không gian 3 chiều. Những âm thanh được tạo ra dù bằng cách này hay cách khác, cũng tồn tại xuyên suốt và hằn sâu. Dù là tiếng chuông cuối giờ chỉ có một âm, hay tiếng trống trường chỉ đơn giản là gõ vào chính giữa kết hợp với gõ vào cạnh. Nhưng cho dù là người nào, dù già dù trẻ, cái âm thanh tiếng trống trường nếu như tuổi thơ được đi học, đều mang theo đủ loại cảm xúc. Phải chăng âm thanh tồn tại cùng thời gian, vì cuộc sống của con người vốn là một vòng lặp. Sinh ra, khôn lớn, bệnh vào, chết đi. Con người là động vật bậc cao, và vì bậc cao, chúng ta có cảm xúc và ký ức. Ký ức của buổi tựu trường đầy nước mắt, hay giờ ra chơi vui vẻ hoà vào những khi buồn lòng vì phải rời xa mái trường thân yêu. Ký ức thật đẹp và những âm thanh đi cùng cũng vậy.
Nói đến đây, tôi chợt thấy lan man. Mà thôi, cả chỗ này là một đống lan man...
Qua thời gian, âm nhạc được truyền đến tai con người qua nhiều cách khác nhau. Từ những chiếc lá vặt đại, hay những điệu hò khi lao động. Cho tới băng các-sét, đài ra-đi-ô, rồi âm li, rồi tín hiệu điện tử (digital). Tiêu chuẩn về phần cứng của thiết bị âm thanh tăng lên tỉ lệ thuận với tiêu chuẩn nghe của người thưởng thức. Và người thưởng thức cũng trở thành những nhà phê bình bán chuyên. Họ có thể bình phẩm về một tác phẩm, về độ mới, về độ hay, về đủ thứ. Nếu coi âm nhạc là một sản phẩm, thì người nghe nó cũng chính là thượng đế. Mà thượng đế thì luôn đúng, theo một nghĩa nào đó.
Những người trẻ sẽ khó có thể chấp nhận thứ nhạc sến súa mà thế hệ bố mẹ của mình đang nghe. Những người nghe rock khó chấp nhận rằng thời đại của rock đã hết. Nhưng dù là thế hệ nào đi chăng nữa, một bản nhạc hay thì nó tồn tại cùng với thời gian. Cho dù mọi người có thể coi Mozart là kẻ nào đó đã chết từ lâu, nhưng âm nhạc của ông vẫn được dùng để cho trẻ nhỏ nghe. Cho dù Liên Xô đã tan rã hơn vài chục năm, nhưng âm nhạc của thời đó vẫn vang lên vẻ hào hùng của những người chiến sĩ chống lại chủ nghĩa phát xít. Cho dù chủ nghĩa xét lại đang trở thành xu hướng, nhưng chả ai có thể bỏ qua cái vòng hợp âm Canon hay I-IV-VI-I cả. Âm nhạc liên tục phát triển, luôn luôn có tính kế thừa.
Đối với tôi, một sản phẩm âm nhạc, dù thị trường hay không, dù một màu đến mấy. Giá trị nghe lại là thứ ưu tiên hàng đầu. Bạn có thể xuất thần trong việc sản xuất ra nhạc nền, có thể là sampling, có thể là hoà hợp phối lại từ ca nhạc cổ truyền, thứ mà tôi mong muốn nhất chính là tôi có thể nghe đi nghe lại nó bao nhiêu lần. Tôi ghét cái sự một màu của Đen Vâu sau khi hắn lên mainstream, nhưng tôi vẫn nghe nhạc hắn mỗi khi thấy buồn chán. Tôi ghét sự gào thét của Death Metal, nhưng tôi thích âm thanh lặp lại ấy để đi ngủ. Tôi có thể ghét, có thể chán, nhưng tôi luôn có mục đích khi nghe nhạc. Có thể nghe hơi thô tục, nhưng tôi có thể nghe đi nghe lại Linkin Park cho dù ban nhạc đó chẳng còn hát thêm gì mới. Rất nhiều thứ mới được tạo ra, nhưng ít thứ được coi là tuyệt phẩm.
Tôi viết rất nhiều. Bài này coi như vứt vào thùng rác.