Có người từng nói, đại loại là, nếu còn trẻ thì nên đi đây đi đó để mở mang đầu óc, tiếp xúc với nhiều người để mở rộng thế giới quan. Tôi không phải một người thích sự vui nhộn, khoái được ở một mình trong một không gian yên tĩnh hơn là lao ra ngoài đường. Tuy vậy, thi thoảng tôi vẫn lao ra ngoài, chủ yếu để hít thở không khí trong lành và không làm mình suy nghĩ lung tung. Và những lúc như vậy tôi gặp được thêm một số người mới, một số người cũ nhưng giờ mới được gặp, và cũng vỡ ra được vài điều, chí ít là tích lại vài cái ghi chú cho bản thân. Loạt bài này, tôi không chắc có viết được và đủ hay không, sẽ là câu chuyện về những người ấy, tôi chỉ đơn thuần đang kể chuyện thôi, và sẽ chỉ là góc nhìn của mình tôi. Tôi rất mong được góp ý, không ngại bị chửi là ngu và óc, nhưng làm ơn, hãy chỉ ra chỗ chưa chuẩn chưa hay và giúp tôi chỉnh sửa nó.
Được rồi, người đầu tiên là anh bạn quen qua mạng tên Dung Bui. Nếu ông bạn có đọc được thì đừng bờ-nhêm (blame) tôi nhá.
Tôi quen cậu ta vào thời những năm 2014, thời mà Facebook mới "được" mở cửa trở lại ở Việt Nam ít lâu, thời mà người ta vừa mới chuyển từ các Forum sang dùng mạng xã hội. Vào thời này, các Group (hội nhóm) đơn thuần là nơi để người ta giao lưu và chia sẻ, cũng có, nhưng ít thôi, những hội nhóm dùng cho mục đích thương mại như mua bán, seeding, SEO (hai thằng này có thể nói là còn khá mới mẻ). Thời này kết bạn trên Facebook dễ lắm, mà chơi với nhau có vì gì đâu, có cần biết ông giàu hay tôi nghèo, ông xấu hay tôi đẹp, ông địt nhiều hay tôi trai tân, chung là cực kì dễ dàng và nhanh chóng trở nên thân thiết - ông bạn tôi nói vậy, tôi có thêm thắt vài chi tiết cho nó vui vẻ. Về sau này, khi mà Facebook bắt đầu "thương mại hoá" thì mạng xã hội cũng kém vui đi rồi, nhưng tôi không phủ nhận rằng việc này giúp cho giao thương tăng vọt lên, chắc hẳn là điều mà bất cứ nhà phát triển có tầm nhìn nào cũng phải hướng đến.
Từ bấy đến giờ, bọn tôi vẫn dùng Facebook và nói chuyện với nhau suốt từ khi hai đứa học cấp ba, mãi tới khi thanh niên ấy lên đây ôn thi đội tuyển quốc gia, cho tới khi cả hai vào đại học và giờ thì sắp sửa ra trường. Kể ra thì quen qua mạng, cũng đâu có tệ lắm đâu. Từ hồi lên đại học thì thấy thanh niên có vẻ cởi mở hơn, xã hội hơn là sống trên mạng ảo, có người yêu, có những đứa em để truyền cảm hứng, và rủ tôi tới nhà chơi nữa. Phải nói là, cậu ta khá là mong muốn rủ tôi đi chơi cùng, ngay từ năm đầu đã đòi chở tôi đi phượt, tiếc là má hem cho, đen vờ lìn, rủ nhậu, rủ đi chơi, nói chung là rủ nhiều lắm. Nhưng lần nào tôi cũng từ chối khéo, có khi thì thẳng thừng, "tôi bận rồi", "để khi khác đi". Vài lần thì tôi cũng ham phết đấy nhưng thanh niên đó quên rep inbox nên là tôi cũng không biết ngày giờ, duy có lần gần đây nhất, cách đây chừng 2 - 3 tuần thì phải, thanh niên ấy rủ tôi đi nặn bánh trung thu (đeo mẹ đến mùa đíu đâu nặn làm bòi gì) với lí do là mình thích thì mình nặn thôi. Ờ ngon, tau cũng méo biết nặn, thế là tôi nhận lời, và tôi không nghĩ là mình sẽ ở lại ăn tiệc và có một buổi nhậu vui đến thế.
(Từ đoạn sau chuyển từ "cậu ta" sang "hắn" cho hợp ngôn ngữ của gã này. Ba đoạn sau chủ yếu nói về cách làm bánh, nếu không muốn học thì có thể bỏ qua.)
À quên chưa giới thiệu, hắn khá giỏi nấu nướng, món gì cũng biết làm, khéo tay hay làm lắm, bảo sao người yêu xinh ơi là xinh. Hằng năm tầm mùa này gửi cả hộp bánh cho ba mẹ người yêu, mỗi năm sinh nhật thì tặng người yêu hẳn cái bánh ga-tô ba tầng. Còn chuyên môn thì để sau, tôi cũng không quan tâm lắm, một người giỏi Lý đến cỡ vào tuyển quốc gia thì tôi nghĩ cái gì chả dễ. Ngoài ra hắn khoái đọc truyện lịch sử, nghiên cứu, nghiền ngẫm.
Buổi hôm đó cuối cùng cũng tới, tôi bước xuống xe buýt và đi vào con ngõ trên đường Chùa Láng sâu tít mù tắp, lên con gác trên tầng 6 và chuẩn bị để nặn bắn. Lúc tới hắn đang cởi trần hì hụi cạy hàu tươi trong nhà tắm. Một bạn nữ, mà mãi sau tôi mới biết là người yêu của hắn, đang ngoáy ngoáy ninh bột đậu xanh. Một thằng em, tóc tai các thứ các thứ, ngồi bấm điện thoại ngoài ban công. Một thằng em khác, to như con tịnh, khuyên xỏ khắp nơi, trông rõ gấu, mà sau nó tỉnh thì rõ hiền, đang ngủ say đớ. Lúc sau thì có thêm một ông anh sinh năm 94, bỏ Bách Khoa, sang FTU học, khá là ý chí và một thanh niên gốc Hưng Yên, người Hà Nội, cùng tuổi với tôi.
Chiều đó, bọn tôi chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh, tóm tắt lại thì, đầu tiên phải ninh đậu xanh cho nhừ, hớt bọt, đậu xanh này sẽ dùng để làm nhân bánh. Nhớ đổ đậu xanh qua lưới để hớt bớt cặn. Đong chừng 30g dầu ăn, có thể chênh nhưng không quá 1 đơn vị, bởi nếu thừa dầu ăn thì nhân sẽ bị nhão, khó dính vào nhau, chung quy là nặn và vo viên rất khó, sau đó cho lên chảo đảo nhỏ lửa cho khỏi cháy. Với vỏ bánh thì kiếm hai túi bột, bột 8 và 11, trứng, và nước đường, trộn đều thành hỗn hợp, nắn nắn các thứ. Sau khi đã xong xuôi thì bọc túi thực phẩm để cho bột "nghỉ". Công đoạn đảo nhân bánh là tốn nhiều thời gian nhất, nếu để lửa to thì nhanh nhưng dễ cháy, để lửa nhỏ thì lâu đến độ xíu thì bếp trưởng ngủ gật. Để nguyên vậy thì hơi kém bắt mắt, thành ra ông bạn lại sai thằng em lấy bột đậu xanh, hoà với nước, tất nhiên là đúng công thức liều lượng, rồi đỏ vào nhân bánh đang đảo trên chảo. Đảo cho tới khi có thể dùng chiếc muỗng quấn một viên nhỏ rồi lật ngược lại mà viên ấy không bị rơi thì coi như hoàn thiện. Bước tiếp theo là nặn và vo sao cho tròn xoe và đều đặn, đoạn này thì thằng em to như con tịnh kia tiếp quản, tay nó rất to và khá thô nhưng động vào thì nhân bánh lại rất tròn và nhẵn. 90g nhân và 30g vỏ, nếu tôi nhớ không nhầm. Các bước nặn thế nào thì trên mạng có hết, chỉ có điều là để bánh có hình đúng như bánh trung thu mua của Kinh Đô, ta phải cho vào khuôn và nhấn mạnh, chú ý là phải quét dầu khuôn cho cẩn thận, không quá nhiều không quá ít, để sao mà bánh khi nướng không nhão đồng thời không bị dính vào đồ bấm.
Bữa tối là hàu nướng mỡ hành, Dung đề nghị ăn sống nhưng anh em bảo sợ không hợp bụng nên phải nướng. Hàu tươi 40k một túi 12 con nguyên vỏ, cùng giá mua được hai bao hàu đã móc vỏ - nấu một nồi cháo. Ông anh 94 mang tới một túi tôm tươi nguyên và thế là thêm món tôm hấp, thanh niên quê Hưng Yên mang cho anh em túi nhãn quê hương. Có tôi là, chỉ mang người không. Sau đấy thì anh em đi mua hẳn 6 lít bia về uống. Hầu hết đều là sinh viên FTU, có tôi là trơ trọi dân kĩ thuật.
Trong một bữa nhậu của 6 thằng đàn ông thì thiếu gì chuyện để nói, lại còn trên tầng 6 mát mẻ, và được hôm trời mưa như trút nước nữa. Nhưng không, bọn tôi không biết phải nói gì nên nhường chủ nhà mở lời, và điều cậu ấy nói là một môn học nhức nhối với bao thế hệ sinh viên, bao nhiêu "nhân tài" vì thế mà ngắc ngoải không ra được trường, chủ nghĩa Mác. Vấn đề hắn đặt ra là về xã hội chủ nghĩa, liệu hình thái ấy có trở thành hiện thực không. Qua đây tôi ghi lại cho mình một chú ý: Trước khi định lên án thứ gì thì phải tìm hiểu cho thật kĩ, có ngọn có ngành, không ngừng đưa ra lập luận và phản biện lại ý kiến.
Hắn nói rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra được, và ông anh 94 phản biện rằng, ông không tin chuyện đó. Hắn nói thêm lí do nó có thể xảy ra, trích lời Mác, rằng khi quốc tế, tức toàn cầu cùng nhau làm thì xã hội loài người sẽ tiến tới kỉ nguyên cuối cùng, xã hội chủ nghĩa. Hiện giờ có một số nước đã làm được việc đó, lúc này hắn chỉ ra thêm về một thứ, tháp nhu cầu của Mát-xờ-lâu. Chắc ai học kinh tế, nhất là ở FTU, đều biết về nó, đại loại ông Mát-xơ-lâu có tạo ra một toà tháp hình tam giác, ngọn chổng xuống dưới, gồm 5 nhu cầu, trong đó:
- 2 nhu cầu về vật chất, thiết yếu, đảm bảo điều kiện sống cho con người
- 3 nhu cầu về tinh thần, và nhu cầu cao nhất và chiếm nhiều diện tích trong tháp nhất là "nhu cầu thể hiện bản thân"
Hắn chỉ ra rằng khi con người đã hoàn toàn thoả mãn 2 nhu cầu ban đầu, mà xã hội bây giờ chính là thế, nếu chia đều của cải cho toàn dân thì mỗi người sẽ sống một cuộc sống còn sang chảnh hơn cả vua chúa ngày xưa, thì nhu cầu tinh thần sẽ trỗi dậy, và lúc này nếu bỏ được nhu cầu thể hiện bản thân thì coi như là đã đạt tới xã hội chủ nghĩa rồi đấy. Để chứng minh luận điểm này, hắn lấy dẫn chứng trong thực tế, tại sao người ta phải bỏ $1000 để mua con iPhone X trong khi chỉ tầm chưa tới một nửa là được con Samsung s8 rồi, tại sao một thằng em khác của hắn luôn đứng ra trả tiền khi đi chơi với hai thằng to con kia, nhưng khi đi với hắn lại im thin thít. Tất cả là vì nhu cầu thể hiện bản thân, muốn thể hiện rằng mình có tiềm lực, có tài chính, và có lẽ, có địa vị cao hơn. Thằng em trong ví dụ trên muốn thể hiện rằng mình có địa vị cao hơn cả lũ lít nhít kia, nhưng đứng trước ông anh nó thì chỉ là hạng tôm tép, đứng ra trả tiền chỉ có là láo. Hắn chốt lại vấn đề rằng, nếu con người gạt đi những nhu cầu không thực ấy, những nhu cầu mà vốn dĩ không cần thiết, những nhu cầu được hình thành trong một xã hội tiêu dùng - nơi người ta kiếm tiền rồi lại hoang phí vào những lời mời vô nghĩa lý (chửi khéo thanh niên quê Hưng Yên làm marketing) - và tập trung vào việc làm sao để đẩy cho nguồn tri thức vượt lên, lúc ấy sẽ là cái đích đến mà Mác đã vẽ ra. (Thú thực thì tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm ý nói của ông bạn này, thôi thì để mọi người tự chiêm nghiệm.)
Ghi chú thứ hai: Luôn luôn phản biện. Ông anh 94 đợi hắn nói xong liền phản biện lại, rằng có bất đống thì mới có phát triển, và nếu đạt tới ngưỡng ấy thì chả phải là dấu chấm hết cho sự phát triển hay sao. Và để trả lời cho câu nói ấy, tôi hay quên nên chỉ nhớ được rằng, hắn đưa ra thí dụ về nước Mĩ qua hai nhiệm kì của bác tay ấm:
- Nước Mĩ chịu khiêm nhường và giúp cho toàn dân có được sự chăm sóc như trong một xã hội chủ nghĩa đích thực
- Đổi lại nước Mĩ bị lung lay khỏi số 1 thế giới
- Lúc này dân Mĩ không chịu để người khác vượt mặt, nhu cầu thể hiện bản thân tăng vọt, và thế là Trump thắng cử, đưa nước Mĩ trở lại vị thế như xưa ("Great again") Vậy chuyện có hay không xã hội chủ nghĩa, không phải một sớm một chiều, mà phải là toàn thể quốc tế.
Thôi thì chuyện to thì mặc chuyện to, lúc này bia đã thấm qua da và đỏ quạch lên tôi, cả bọn chuyển chủ đề sang quyển sách mà hắn cùng ông anh 94 đọc. Quyển sách nói về 48 phương pháp, giông dài lắm, nhưng rút lại thì 48 phương pháp ấy là phương pháp, là cách làm, là làm như thế nào. Cuốn sách bảo phải làm như thế này nhưng lại không chỉ rõ ra rằng phải làm vào lúc nào, nhưng sách không quên nhắc người đọc về điều số 21, không nên áp dụng một cách máy móc vào thực tế. Cả bọn cũng bàn tán sôi nổi, chốt lại thì được mấy điều sau:
- Quan trọng không phải là cách làm, cách làm luôn có thể nghĩ tới sau
- Thời cơ, khi nào làm, ngữ cảnh vận dụng mới đáng lưu tâm, và đó là thứ mà không ai có thể chỉ cho nhau biết được; mỗi người có cách tiếp cận cơ hội khác nhau, không thể áp điều Steve hay Vượng Vin vào Coffe House chả hạn
- Muốn truyền động lực, cảm hứng cho ai, đừng bao giờ dùng từ "phải", hãy dùng từ "nên". Đừng kêu gọi người ta phải làm theo ý mình, hãy kêu gọi người ta nên đi theo lối này, còn đường nào thì tuỳ họ lựa chọn.
Lan man ra một chút, ở trường hắn hình như có 1 môn, có 1 giảng viên và là tác giả của cuốn sách mà thành giáo trình giảng dậy môn đó, cô ấy có vẻ không được thân thiện với sinh viên cũng như các giảng viên khác cho lắm. Dung Bui có nhận định rằng nếu chủ nhân tương lai của đất nước là thế hệ tri thức, tức là bọn mình, thì cô ấy đáng ra nên tiếp cận sao cho dễ mến và hướng cũng như truyền cảm hứng tốt hơn thay vì là ép sinh viên làm theo, không để cho họ được phản biện được đưa ra chứng kiến của mình.
Có lẽ cuộc nói chuyện sẽ vui hơn nếu như tôi có thể ở lại, nhưng lúc đó đã ngoại 9h tối, xe buýt gần như không còn hoạt động, may sao có ông bạn gốc Hưng Yên bắt tôi con Grab về. Nhưng trước đó, chúng tôi có bàn về một thứ khác, lần này là tôi chủ động. Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với dân kinh tế, rằng họ có tài, họ có thể không biết gì về cách cầm dao kéo nhưng vẫn có thể mở được phòng khám nha khoa. Vậy là họ có suy nghĩ rất tốt đúng không? Cả ba người kia xúm lại bảo rằng, không hề, họ có tìm hiểu đấy, và rằng chính dân kĩ thuật mới là người tạo ra sản phẩm. Trong một xã hội, những người làm kĩ thuật đúng ra phải có chỗ đứng hơn dân kinh tế, nhưng khi dùng thước đo về tài chính, về đồng lương, về tiền bạc của cải kiếm được, thì dân kinh tế thường được đặt lên trên hết, bởi họ là người giao thương, là người đi luân chuyển hàng hoá; vậy hàng hoá từ đâu mà ra. Và các ông kĩ thuật, các nông dân, các công nhân tạo ra của cải. Vậy nếu đề cao kinh tế chả quá là xây nhà từ nóc chăng?
Đến giờ tôi vẫn có nhiều câu muốn hỏi lại, muốn phản biện, và nhiều thứ tôi kể khá là rời rạc, bởi trí nhớ của tôi không liên tục, nó rời rạc theo từng sự kiện.
Tôi đã thử sử dụng dàn ý nhưng thú thực, tôi cứ để cảm xúc cuốn trôi mình đi thôi, dàn ý có nghĩa lý gì đâu.
Có lẽ tôi nên tới một bữa nhậu khác và ghi lại những gì chưa hiểu để hỏi, và để vui đùa, dẫu sao, sinh viên với nhau, thoải mái mà.