Tôi không nhớ là sân vận động Hàng Đẫy được xây từ bao giờ, nhưng cái nét của nó thì hẳn vẫn hằn sâu vào tâm thức của nhiều người. Tôi viết bài này nhân dịp nó vừa tổ chức một trận bóng đá giải quốc tế, và cũng đang trong quyết định chuẩn bị được đập đi xây lại.
Giống như triển lãm Giảng Võ, tôi không mong nó bị đập đi xây lại, nhưng cũng không muốn nó im lìm thế này. Bỏi nó lưu giữ nhiều thứ, không hẳn là kỉ niệm, chỉ là một chút thoáng qua. Nhưng khi một chút thoáng qua ấy đột nhiên biến mất, thì người ta lại thấy nhung nhớ vô cùng. "Có không giữ, mất đừng tìm" có lẽ là đúng với trường hợp này, khi mà nó vẫn còn tổ chức nhiều giải thì không đi xem, nhưng khi nó sắp xa lìa thì mới vội vã hốt lên. Có vẻ tôi cũng may mắn, khi được kéo vào sân khi mà nó vẫn còn trong hiện trạng tốt, để xem một giải trẻ, nhưng tiếc là tôi không ở lại đủ lâu để thưởng thức trận đấu, trẻ con mà. Bởi vài lý lẽ đó, tôi quyết định đi xem Việt Nam "hấp" Campuchia.
40 phút trước giờ đá, tất thảy các cổng của sân đều bị đóng lại, không rõ vì lý do gì. Nhiều vé hay ít chỗ? Nói chung là sau khi chạy hùng hục vài vòng thì cũng vào được thôi, nhưng thật hiếm khi tôi thấy mọi người tự nguyện chạy như vậy, duy có điều tôi không thích là những kẻ cơ hội trong cuộc đua ấy, cơ mà cái đó hãy để lại trong bài khác đi. Giờ quay trở lại với trận đấu nào. Vào sân khi trận đấu đã diễn ra được hơn 10 phút, và may mắn cho chúng tôi, góc đấy là lưới của tuyển Campuchia, chúng tôi có cơ hội xem các anh trổ tài. Pha tung lưới đầu tiên, tôi không nhớ là của ai, cũng khó thể biết được vì không có bình luận viên, và không thể nào nhìn rõ nổi, nhưng cơ bản là áo đỏ thì rõ ràng là của mình rồi, mọi người nhảy lên reo hò, tây có ta có, lớn có nhỏ có, trai có gái có, trẻ sơ sinh cũng có - nhưng con bé có vẻ không thích lắm, đúng hơn là sợ hãi đến mức khóc ré lên. Rốt cuộc thì thể thao vẫn là một cái gì đó gắn kết mọi người với nhau, nhìn biển người ôm nhau trong sung sướng, có khi còn chả rõ người ngồi cạnh mình là ai, giữa các khán đài lại cùng nhau bật đèn flash lên, đung đưa, chà, thật tiếc tôi không thể ghi lại khoảnh khắc ấy. Pha tung lưới thứ hai xảy đến, lần này là củ đẩy của đội áo đỏ, nhưng là cú phanh không kịp của đội áo trắng. Trong khi tay cầu thủ kia đang ngơ ngác, thì cả sân như sắp vỡ tung ra, thật dễ hiểu tại sao sân vẫn còn hai khán cao mà không cho mọi người lên đó, phải chăng là đã quá tàn rồi, không cẩn thận khi lại sập. Khi cú sút đưa tỉ số lên một mức cao hơn, tôi biết giờ chỉ còn là đá tập, mà đúng hơn, cả trận đấu vốn dĩ chỉ là bài đá tập.
Cho dù lúc đó có thể ta hơi quá mạnh nhưng cảm xúc khi được vào sân vẫn cứ là cái gì đó tự hào. Cái màu ve vàng choẹ lên áo của mỗi người đứng dựa vào tường, hay cái góc trên không có ghế nhựa, hay là những vòng kẻ trên sân, và những hàng ghế đã thô sờn. Tôi nghĩ hoài niệm là không tốt, nhưng nó vẫn ở đó như một thứ gì đó, không thể tách rời khỏi tâm trí của người dân Hà Nội, hay hẹp hơn là với tôi. Thứ tôi nhớ khi nhắc đến phố Trịnh Hoài Đức là những cửa hàng đồ thể thao, và được đi dưới tán cây cũng như cái bóng vàng choẹ màu ve của sân Hàng Đẫy.
Tuy yêu nó là thế, nhưng để nó tàn tạ qua năm tháng thế này, quả chả để làm gì, chi bằng biến nó thành một khu liên hợp thể thao, khang trang và sạch đẹp, hẳn là thứ mà ai cũng muôn. Giống như triển lãm Giảng Võ, cơ mà nếu nói ủng hộ, thì tôi nửa muốn nửa không, vì dẫu sao, nó cũng là một phần trong ký ức thơ ấu của tôi rồi.
Những gì tôi thấy trên sân dựa theo góc nhìn của khán đó, nên có thể sẽ không đúng như những gì bạn thấy trên màn ảnh